Nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân tỉnh Nam Định đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc sức khỏe, trợ giúp người khuyết tật (NKT) học nghề, hưởng các chính sách bảo trợ xã hội, giúp họ từng bước hòa nhập cộng đồng.
Thống kê, tỉnh Nam Định hiện có trên 42.000 NKT, trong đó có khoảng 32.200 NKT nặng. NKT tham gia sinh hoạt tại Hội NKT tỉnh có 2.148 hội viên. Đa số NKT đều có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội; tổ chức tư vấn, hướng dẫn NKT và gia đình làm hồ sơ theo quy định. Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với NKT; phối hợp với địa phương giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở. Theo đó, nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo giúp đỡ NKT đã được các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội tổ chức thường xuyên như: chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; trẻ khuyết tật được hỗ trợ phẫu thuật tim, mắt, sứt môi, hở hàm ếch; cấp thẻ BHYT; cấp xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình, dạy nghề miễn phí, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí… Đồng thời, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, góp công sức tiền của, ngày công để hỗ trợ NKT ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội; chú trọng tổ chức các lễ kỷ niệm nhân ngày NKT, các buổi nói chuyện chuyên đề về kiến thức, kỹ năng và chính sách liên quan đến NKT.
Thực hiện Đề án trợ giúp NKT từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có trên 1.200 NKT được hỗ trợ học nghề. Các nghề chủ yếu là: May công nghiệp, chạm khắc gỗ, xoa bóp bấm huyệt. Các trung tâm dạy nghề như: Hội Người mù tỉnh và thành phố Nam Định, Hội NKT tỉnh… cũng tổ chức các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã chung tay dạy nghề, tạo việc làm sau đào tạo cho hàng chục NKT mỗi năm. Theo số liệu tổng hợp của các cơ sở dạy nghề, hàng năm, khoảng 60% số NKT sau đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định, bình quân 2,5 triệu đồng/tháng; toàn tỉnh có khoảng 100 NKT có việc làm mới ổn định, hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã triển khai thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, đáp ứng nguyện vọng và các nhu cầu cơ bản của NKT, giúp họ từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đến nay, đã có gần 32 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng không có khả năng lao động được trợ cấp hàng tháng; trên 35 nghìn NKT có thẻ BHYT, một số NKT được hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng. Mỗi năm toàn tỉnh đã có hàng nghìn lượt đối tượng NKT được tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, 100% NKT tâm thần ở các thể tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần tại cộng đồng được cấp sổ theo dõi và cấp phát thuốc thường xuyên hàng tháng.
Với sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của bản thân, nhiều NKT đã trở thành những tấm gương sáng truyền cảm hứng trong cộng đồng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm ở xã Yên Quang (Ý Yên) bị mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Với mong muốn giúp đỡ phần nào cho các em nhỏ khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Ngọc Tâm đã tổ chức các lớp học, sáng lập quỹ khuyến học, không gian đọc miễn phí mang tên “Ngọc Tâm thủy tinh”. Hiện tại chị Tâm còn làm trưởng đại diện cho dự án phát triển CLB thanh niên khuyết tật tỉnh, cùng CLB trao đổi cách làm hay, ý tưởng mới, gắn kết các thành viên với nhau vươn lên trong cuộc sống, trở thành những tấm gương người tốt việc tốt. Bằng ý chí, nghị lực phi thường anh Đinh Văn Phượng ở xã Giao Xuân (Giao Thủy) bị tàn tật tới 91% đã có cơ ngơi hàng tỷ đồng từ nghề nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Là chủ tịch Hội Người khuyết tật Giao Thủy, anh còn đứng lên xây dựng một cơ sở sản xuất tập trung trị giá đầu tư gần 2 tỷ đồng tại xã Giao Xuân để NKT huyện sản xuất chiếu gỗ, áo ghế xe ô tô xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện cho 40 NKT nuôi cá chạch sụn tại cơ sở sản xuất tập trung của Hội.
Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ NKT trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách đối với NKT; khơi dậy và phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc. Đời sống vật chất, tinh thần của NKT được cải thiện đáng kể; họ có thêm những cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều NKT còn tự ti, gặp khó khăn trong việc lựa chọn mô hình sinh kế, nguồn vốn hỗ trợ, thiếu thông tin về sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, NKT chính là đối tượng có nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến chứng bệnh và có tỷ lệ tử vong cao hơn nếu không may mắc COVID-19; cơ hội tìm kiếm việc làm của NKT trong điều kiện hiện nay cũng hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh cần thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn NKT cách phòng, chống dịch; các cơ sở bảo trợ xã hội có sự quan tâm, chú ý đến đối tượng NKT nhiều hơn trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc; hướng dẫn NKT phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng…, đồng thời hỗ trợ NKT có được cơ hội việc làm phù hợp với bản thân để giúp họ vươn lên trong cuộc sống, trở thành những người có ích cho xã hội./