icon icon icon

Chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật

Đăng bởi Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nôi. vào lúc 15/12/2022

Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó, dành sự quan tâm đặc biệt đến đời sống mọi mặt của người khuyết tật. Tại Điều 11, Luật Người khuyết tật (số 51/2010/QH12 ban hành ngày 17/6/2010), quy định 18/4 hàng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam, hướng đến bình đẳng trong cộng đồng, bảo đảm quyền lợi, ưu đãi đời sống tinh thần, vật chất và tạo việc làm, giúp người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm về những khiếm khuyết của bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng xã hội, vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ vậy, nước ta còn tham gia tích cực, hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật...

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Theo đó, công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở chăm sóc người khuyết tật tiếp tục được củng cố; triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, duy trì 63 bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng ở các địa phương, 100% bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương và tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật; bốn trường đại học sư phạm và ba trường cao đẳng sư phạm thành lập Khoa Giáo dục đặc biệt, mở các mã ngành đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật...

Hằng năm, ngoài ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của người khuyết tật. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật. Hoạt động trợ giúp người khuyết tật thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, chuyển từ trợ giúp mang tính nhân đạo sang trợ giúp phát triển, bảo đảm an sinh, mở rộng công tác đào tạo nghề, tạo sinh kế phù hợp đối với người khuyết tật. Tại tỉnh ta, hằng năm, các cấp hội trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, kêu gọi, vận động đóng góp tiền mặt và hàng hóa, trị giá hàng chục tỷ đồng; phối hợp với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trợ giúp, tặng quà, thăm hỏi hàng nghìn lượt người khuyết tật hoàn cảnh khó khăn...

Tuy nhiên, theo điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam, hiện tượng bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội của đối tượng này vẫn tồn tại; phân biệt đối xử, mức trợ cấp còn thấp và hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; Ban công tác người khuyết tật một số địa phương hoạt động mang tính hình thức; vẫn còn rào cản trong tiếp cận dịch vụ công cộng, công trình giao thông, nhất là khu vực nông thôn; xác nhận và cấp giấy chứng nhận người khuyết tật đạt tỷ lệ chưa cao; số người khuyết tật được các cơ sở trợ giúp xã hội còn hạn chế; không ít người khuyết tật gặp khó khăn về điều kiện ăn, ở, nuôi dưỡng, học hành, chữa bệnh, tiếp cận xã hội và cộng đồng; số người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo giảm chậm, tiếp cận các dịch vụ y tế chưa như mong muốn, mới có khoảng 70% trẻ em được sàng lọc phát hiện sớm các dạng tật, chưa phủ hết diện được cấp thẻ BHYT; dịch vụ phục vụ người khuyết tật ở nhà chờ, bến xe, cơ sở dịch vụ chưa nhiều; tỷ lệ được tập huấn kỹ năng sống đạt thấp...

Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội và nhân dân, tạo điều kiện cho họ tiếp cận tốt chính sách chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, tín dụng, bảo trợ xã hội, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội, mạng lưới an sinh xã hội... Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tích cực phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực kỹ thuật, kinh nghiệm trợ giúp đối tượng này; khuyến khích người khuyết tật học tập, lao động, vươn lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội đối với người khuyết tật.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người khuyết tật. Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phù hợp, xã hội hóa rộng rãi, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng cùng tham gia trợ giúp người khuyết tật. Bên cạnh đó, người khuyết tật cùng nhau đoàn kết, nỗ lực vượt lên số phận, xóa bỏ mặc cảm, tự ty vươn lên có cuộc sống tốt hơn, trở thành gương sáng trong lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, học tập và công tác; phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”...; biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình, có nhiều đóng góp, trợ giúp hiệu quả, thiết thực cho người khuyết tật trên địa bàn.

Nhờ làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội trong thực hiện chính sách đối với người khuyết tật; khơi dậy và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật ngày càng được cải thiện, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tự tin, tự lực vươn lên trong cuộc sống.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tổ chức Tình nguyện