icon icon icon

Quy định về nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội

Đăng bởi Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nôi. vào lúc 15/12/2022

Trường hợp nào người khuyết tật được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội? Kinh phí nuôi dưỡng người khuyết tật tại cơ sở bảo trợ xã hội? Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật tại cơ sở trợ giúp xã hội như nào?

Cơ sở pháp lý:

- Luật người khuyết tật năm 2010;

- Nghị định 20/2021/NĐ-CP;

1. Người khuyết tật

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Dạng tật bao gồm: Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe, nói; Khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; Khuyết tật trí tuệ; Khuyết tật khác.

Người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây:

- Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

- Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

- Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

2. Trường hợp nào người khuyết tật được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội?

Theo quy định của Luật người khuyết tật năm 2010 thì: Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.

Điều 24 Nghị định 20/2021/NĐ-CP có quy định:

Điều 24. Đối tượng bảo trợ xã hội được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở trợ giúp xã hội)

1. Đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bao gồm:

a) Đối tượng quy định tại các khoản 1 và 3 Điều 5 của Nghị định này thuộc diện khó khăn không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng;

b) Người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi;

c) Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

2. Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm:

a) Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động;

b) Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú;

c) Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Người chưa thành niên, người không còn khả năng lao động là đối tượng thuộc diện chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

4. Thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội tối đa không quá 03 tháng. Trường hợp quá 3 tháng mà không thể đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng thì cơ quan quản lý cấp trên của cơ sở trợ giúp xã hội xem xét, quyết định giải pháp phù hợp.

5. Đối tượng tự nguyện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm:

a) Người cao tuổi thực hiện theo hợp đồng ủy nhiệm chăm sóc;

b) Người không thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, không có điều kiện sống tại gia đình, có nhu cầu vào sống tại cơ sở trợ giúp xã hội.

3. Kinh phí nuôi dưỡng người khuyết tật tại cơ sở bảo trợ xã hội

Nhà nước cấp kinh phí nuôi dưỡng người khuyết tật cho các cơ sở bảo trợ xã hội bao gồm:

a) Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng;

b) Mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày;

c) Mua thẻ bảo hiểm y tế;

d) Mua thuốc chữa bệnh thông thường;

đ) Mua dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng;

e) Mai táng khi chết;

g) Vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với người khuyết tật là nữ.

Điều 31 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên:

Điều 31. Kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên

1. Kinh phí thực hiện chế độ chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, hỗ trợ nhận chăm sóc tại cộng đồng và kinh phí thực hiện chi trả chính sách; tuyên truyền, xét duyệt đối tượng; ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ và kiểm tra giám sát được thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Kinh phí bảo đảm để chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 24 Nghị định này thực hiện theo quy định sau đây:

Đối với cơ sở trợ giúp xã hội thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó bảo đảm trong dự toán chi bảo đảm xã hội.

3. Kinh phí chi hoạt động thường xuyên, đầu tư xây dựng cơ bản và các chi phí khác của cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật. Cơ sở trợ giúp xã hội được tiếp nhận, sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí và hiện vật do các tổ chức, cá nhân đóng góp và giúp đỡ từ thiện; bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và thanh quyết toán theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành các khoản 1 và 2 Điều này.

4. Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật tại cơ sở trợ giúp xã hội

Điều 25 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định:

Điều 25. Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội

Đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 24 Nghị định này khi sống tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định sau đây:

1. Mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:

a) Hệ số 5,0 đối với trẻ em dưới 04 tuổi;

b) Hệ số 4,0 đối với các đối tượng từ đủ 4 tuổi trở lên.

2. Cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế.

3. Hỗ trợ chi phí mai táng khi chết với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này.

4. Cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sách, vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định.

5. Trường hợp đối tượng đã được hưởng chế độ trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng quy định tại khoản 1 Điều này thì không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Như vậy, người khuyết tật được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng như sau:

- Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng:

Mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội 360.000 đồng/tháng nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:

+ Hệ số 5,0 đối với trẻ em dưới 04 tuổi;

+ Hệ số 4,0 đối với các đối tượng từ đủ 4 tuổi trở lên.

- Cấp thẻ bảo hiểm y tế;

- Hỗ trợ chi phí mai táng khi chết với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội ( Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 là 360.000 đồng/tháng).

- Cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sách, vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định.

- Trường hợp đối tượng đã được hưởng chế độ trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thì không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

5. Thẩm quyền, hồ sơ tiếp nhận người khuyết tật vào cơ sở trợ giúp xã hội

- Thẩm quyền tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội: Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội quyết định tiếp nhận đối tượng vào cơ sở. Đối với cơ sở trợ giúp xã hội do cấp huyện quản lý thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đưa đối tượng vào cơ sở.

- Hồ sơ tiếp nhận vào cơ sở đối với đối tượng bảo trợ xã hội là người khuyết tật, gồm:

+ Tờ khai của đối tượng hoặc người giám hộ theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP;

+  Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;

+ Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;

+ Giấy tờ liên quan khác (nếu có);

+ Văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi cơ quan quản lý cơ sở trợ giúp xã hội (nếu vào cơ sở của tỉnh);

+ Quyết định tiếp nhận của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội.

6. Thủ tục tiếp nhận người khuyết tật vào cơ sở trợ giúp xã hội

Thủ tục tiếp nhận vào cơ sở đối với đối tượng bảo trợ xã hội là người khuyết tật được thực hiện theo quy định sau đây:

- Đối tượng hoặc người giám hộ có giấy tờ (Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật; tờ khai đề nghị tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội của đối tượng hoặc người giám hộ) gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của đối tượng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xét duyệt và niêm yết công khai kết quả xét duyệt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 07 ngày làm việc.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của đối tượng và văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định;

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đưa đối tượng vào cơ sở trợ giúp xã hội thuộc thẩm quyền quản lý hoặc có văn bản đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét chuyển hồ sơ đến người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận đối tượng vào cơ sở;

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ của đối tượng và văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định và chuyển hồ sơ của đối tượng đến cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn quản lý; sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội quyết định tiếp nhận đối tượng vào cơ sở;

- Trường hợp đối tượng không được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tổ chức Tình nguyện